GIỚI THIỆU HỆ THỐNG PHÒNG THÍ NGHIỆM Y SINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC
Sự đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, thực hành là một trong hai yếu tố then chốt, quyết định đến chất lượng cho mỗi ngành đào tạo. Kỹ thuật xét nghiệm là một ngành đặc biệt quan trọng hiện nay trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ hiện nay. Sau 2 năm chuẩn bị về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, Khoa Công nghệ Sinh học - Trường Đại học Khoa học đã được giao đào tạo cử nhân công nghệ sinh học với chương trình đào tạo “Kỹ thuật xét nghiệm Y - Sinh”. Đây được coi là một chương trình đào tạo “đặc biệt” bởi chương trình này hướng tới mục tiêu đào tạo ra nguồn nhân có trình độ cao, đảm nhiệm được các kỹ thuật xét nghiệm từ cơ bản tới chuyên sâu tại các khoa xét nghiệm của các bệnh viện, phòng xét nghiệm, trung tâm xét nghiệm công lập và ngoài công lập.
Để phục vụ cho mục tiêu này, Trường Đại học Khoa học đã xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm Y- sinh hiện đại thuộc dự án 35 tỷ đồng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài phòng làm việc của cán bộ phòng thí nghiệm, hệ thống phòng thí nghiệm bao gồm:
1. Phòng Thiết bị chung và lưu trữ mẫu bệnh phẩm
2. Phòng Vi sinh y học
3. Phòng Nuôi cấy tế bào ung thư
4. Phòng Công nghệ gen và tế bào
Các phòng thí nghiệm được lắp đặt theo quy chuẩn về an toàn sinh học. Toàn bộ các trang thiết bị có tính đồng bộ cao và đều được cung cấp bởi các hãng sản xuất hàng đầu thế giới về thiết bị y sinh của các quốc gia Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản, Đan Mạch, Italia.
Tại phòng thiết bị chung và lưu trữ mẫu bệnh phẩm các thiết bị được lắp đặt gồm:
- Nồi hấp tiệt trùng HVA-85 Hirayama-Nhật Bản
- Máy lắc nuôi vi sinh vật ổn nhiệt MaxQ4000 Thermo Fisher Scientific - Mỹ
- Máy làm đá vụn Evermed - Ý
- Tủ lạnh sâu -20°C Artiko Đan Mạch
- Tủ lạnh sâu - 80°C Thermo Scientific - Mỹ
- Bình Nitơ lỏng IC-6R và D-400 của hãng International cryogenics - Mỹ cho phép đông lạnh tế bào gốc, tế bào ung thư hoặc phôi.
Các phòng phân tích chuyên sâu còn lại được bố trị các hệ thống trang thiết bị theo các chức năng phân tích cụ thể, trong đó:
Nhóm thiết bị phục vụ cho phân tích, xét nghiệm sinh học phân tử gồm:
- Máy quang phổ định lượng axit NUCLEIC/PROTEIN Nanodrop One - Thermo Scientific.
- Máy đo quang phổ tử ngoại khả kiến UV-VIS-NIR Jasco – Nhật Bản.
- Buồng thao tác an toàn sinh học cấp II Thermo Fisher Scientific - Mỹ
- Tủ thao tác PCR ESCO-Singapore
- Máy PCR Applied Biosystems GeneAmp PCR System 2720 - Mỹ
- Máy PCR Biometra Tone - Analytic Gena - Đức.
- Máy Realtime PCR qTower3 G - Analytic Gena Đức.
- Máy chụp ảnh phân tích hình ảnh quang hóa, huỳnh quang và so màu ChemStudio PLUS motorized - Analytic Gena Đức.
- Máy điện di DNA/protein - Thermo Fisher Scientific - Mỹ
- Hệ thống phân tích Western Blot - Thermo Fisher Scientific - Mỹ.
Các thiết bị này phục vụ cho việc thực hành phân và xét nghiệm hàng trục loại xét nghiệm DNA, RNA khác nhau ví dụ như như định tính, định lượng virus viêm gan B, viêm gan C, viêm gan D, virus Dengue gây sốt xuất huyết, virus HIV, virus sởi, virus cúm, virus viêm màng não, vi khuẩn lao, các vi khuẩn lao mang đột biến kháng thuốc, HIV kháng thuốc, virus viêm gan B kháng thuốc. Phát hiện các marker ung thư sớm như ung thư vòm họng, ung thư vú, ung thư phổi dựa trên các cfDNA trong máu.
Nhóm các thiết bị phục vụ cho phân tích tế bào:
- Buồng thao tác an toàn sinh học cấp II Thermo Fisher Scientific - Mỹ
- Hệ thống kính hiển vi soi ngược Eclipse Ts2 NIKON -Nhật Bản
- Hệ thống kính hiển vi huỳnh quang Eclipse Ti2-U NIKON -Nhật Bản
- Tủ ấm CO2 Memmert – Đức + hệ thống cấp CO2
- Hệ thống phân tích dòng chảy tế bào BD Accuri C6 Plus TM Flow Cytometer - Becton, Dickinson and Company, BD Biosciences– Mỹ.
Hệ thống trang thiết bị này cho phép người học được thực hành, nghiên cứu nhiều xét nghiệm chuyên sâu khác nhau về tế bào như: Xác định marker HLA B27 của bệnh viêm cột sống dính khớp; đếm tế bào gốc tạo máu CD34; đếm tế bào CD3/CD4/CD8 trong đáp ứng miễn dịch ghép tạng; phân loại các thể ung thư máu; xác định các dạng trisomy 21, trisomy 18, Trisomy 13 và hàng trục xét nghiệm tế bào khác.
Bên cạnh đó, phòng thí nghiệm còn được trang bị các hệ thống phân tích độc chất và kim loại nặng trong máu như hệ thống máy quang phổ phát xạ nguyên tử liên kết cảm ứng plasma (ICP-OES) Horiba - Nhật bản; hệ thống sắc ký khí khối phổ đơn tứ cực GC-MS ISQ QD của Thermo Scientific - Mỹ.
Trong chuyến thăm quan và ký kết hợp tác giữa Bệnh viện A Thái Nguyên và Trường Đại học Khoa học về đào tạo nghiên cứu và chuyển giao công nghệ ngày 15/02 năm 2019, Thầy thuốc ưu tú Đỗ Minh Thịnh - Giám đốc bệnh viện A Thái Nguyên cho biết: lực lượng cán bộ xét nghiệm có trình độ đại học, có chất lượng đang thiếu trầm trọng trong các bệnh viện, đặc biệt là lực lượng cán bộ có khả năng thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu về sinh học phân tử, tế bào và miễn dịch. Ông cũng nhấn mạnh, Đại học Khoa học là một trong số rất ít các cơ sở được trang bị hệ thống xét nghiệm Y sinh hiện đại, đồng bộ trong số các trường có đào tạo về lĩnh vực này. Đồng thời, sự phối hợp với bệnh viên A Thái Nguyên trong đào tạo sẽ giúp cho sinh viên còn được thực tập, thực hành xét nghiệm tại bệnh viện trên các hệ thống xét nghiệm huyết học, miễn dịch và hoá sinh tự động hiện đại.
Với một hệ thống phòng thí nghiệm và bệnh viện thực hành tốt như trên đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của nhà trường và bệnh viện đối với chất lượng cho chương trình đào tạo “Kỹ thuật xét nghiệm Y-sinh”.
Chi tiết máy móc xem tại đây