Cựu sinh viên | Công tác HS-SV


Vũ Xuân Tạo - Cựu sinh viên tiêu biểu Khoa Công nghệ Sinh học


Cách đây 3 năm, nhóm nghiên cứu về Đông trùng hạ thảo của Trung tâm Nghiên cứu & Chuyển giao Công nghệ Sinh học – Công ty CP Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (Đơn vị hội viên của Hội bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam – VACNE) đã được thành lập và nhóm nghiên cứu đã thành công sau gần 1 năm nghiên cứu.


 Đông trùng hạ thảo là tên gọi chung cho một nhóm các loài nấm kí sinh trên ấu trùng. Theo nghiên cứu của tác giả thì đông trùng hạ thảo là một loại dược liệu quý hiếm, có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh virus, ung thư, HIV/AIDS, đái tháo đường và suy giảm tình dục.

Hiện nay, trên thị trường giá trị của nấm Đông trùng hạ thảo rất cao, tại Trung Quốc và Thái Lan giá loại nấm này vào khoảng 350 triệu VNĐ- 1 tỷ VNĐ/kg nấm. Với mức giá này, dù có tốt đến mấy thì người Việt khó mà có cơ hội sử dụng. Nhận thấy giá trị cũng như tiềm năng ứng dụng vô cùng lớn của loài nấm Đông trùng hạ thảo, Công ty CP Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đã định hướng phải nuôi trồng được loài nấm này tại Việt Nam, hạ giá thành xuống thấp nhất để người Việt có cơ hội sử dụng. Xuất phát từ định hướng trên, năm 2012 nhóm nghiên cứu trẻ của công ty đã được thành lập với nhiệm vụ nghiên cứu chuyên sâu về loài nấm này. Tiền thân của nhóm nghiên cứu chính là Phòng Khoa học Công nghệ, sau này là Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Sinh học (Center Biological Research and Technology Transfer - CBRTT), trưởng nhóm nghiên cứu là ThS Vũ Xuân Tạo.

Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu và tiến hành thu thập các giống nấm Đông trùng hạ thảo tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…Bộ sưu tầm giống, tính riêng cho Đông trùng hạ thảo loài Cordyceps militaris đã có tới gần 20 chủng. Nhưng sau thời gian nghiên cứu nhóm chỉ chọn lọc được 5 chủng là cho quả thể với hàm lượng hoạt chất cao.

Sau gần 1 năm nghiên cứu, tới cuối năm 2012 nhóm nghiên cứu đã hoàn toàn làm chủ quy trình công nghệ nuôi trồng, nhưng nhận thấy nguyên liệu để nuôi trồng khá đắt vì có thành phần ấu trùng sâu được nhập từ nước ngoài về. Ý tưởng mới lập tức nảy ra, nhóm tiếp tục thực nghiệm với mục tiêu sử dụng nguyên liệu sẵn có tại Việt Nam để nuôi trồng mà chất lượng của nấm vẫn đảm bảo. Chỉ trong vòng 6 tháng, nhóm đã tìm ra rất nhiều cơ chất có sẵn tại Việt Nam mà loài nấm này vẫn phát triển ra quả thể với chất lượng cao ngang với sản phẩm loại I của nước ngoài, một số loại giá thể như gạo, ngô, nhộng tằm, sâu chit… Sản phẩm nấm đã được thương lại trên thị trường cho người tiêu dung trong nước với giá khoảng 15-20 triệu VNĐ/kg tươi và khoảng 60-80 triệu/kg khô, thấp hơn rất nhiều lần so với sản phẩm nấm của nước ngoài. Đặc biệt, quả thể nấm đã bước đầu được giới thiệu qua Mỹ - một thị trường khó tính và tiềm năng và nhận được những đánh giá tích cực. Nhóm nghiên cứu cũng tích cực thương thảo tìm đầu ra cho nguồn nấm này, nhằm tạo ra một sinh kế mới cho người dân Việt Nam.

 Hiện nay, nhóm nghiên cứu đã hoàn toàn làm chủ quy trình công nghệ nuôi trồng quả thể nấm Đông trùng hạ thảo Cordyceps Militaris ở quy mô công nghiệp. Công nghệ nuôi trồng đã và đang được nhóm nghiên cứu chuyển giao cho một số đơn vị và cá nhân để tiến hành nhân rộng như Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ Lâm Đồng, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học Công nghệ Hòa Bình…và cũng đang tiến hành thương thảo với một số cá nhân, cơ sở trồng nấm để tiến hành tư vấn kỹ thuật tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Buôn mê Thuật, Bình Dương…
Năm 2014, nhóm nghiên cứu chính thức nhận được hỗ trợ kinh phí để tiếp tục các nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng nấm cũng như nhân rộng các mô hình trồng loài nấm này trên khắp Việt Nam từ nguồn kinh phí đề tài phát triển Khoa học Công nghệ. Trưởng nhóm nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài ThS Vũ Xuân Tạo cũng như toàn bộ nhóm nghiên cứu hy vọng trong thời gian tới người dân Việt Nam sẽ nắm bắt được công nghệ này và đưa vào sản xuất, cung cấp một sản phẩm chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài nước đem lại lợi ích cho xã hội.

 Với những thành tích đi đầu trong nghiên cứu Đông trùng hạ thảo của nhóm nghiên cứu cùng những nghiên cứu về công nghệ sinh học ứng dụng vào đời sống sản xuất khác nên trong năm 2014, đơn vị chính thức được Bộ Khoa học Công nghệ tôn vinh trao tặng giải thưởng “Doanh nghiệp Việt Nam đổi mới sang tạo”; Hội bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam – Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam – Bộ Tài nguyên Môi trường trao tặng giải thưởng quốc gia “Công nghệ xanh – Greentech award” lần thứ 4….

Xem: Vũ Xuân Tạo nói về Khoa Công nghệ Sinh học - cũng như định hướng phát triển của Trung tâm nghiên cứu của mình

https://www.facebook.com/khss.tnus/videos/965979003539274/