TIN TỨC


Chọn ngày nào khi Việt Nam bước vào cuộc cách mạng 4.0


Chọn ngành trong thời cách mạng công nghiệp 4.0

Lượt xem: 1151

Ngày đăng: 19/12/2017

​Thuật ngữ Cách mạng công nghiệp 4.0 đã bắt đầu được nhắc đến ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Chúng ta đang dần tiếp cận một xu hướng phát triển của nhân loại trong tương lai không xa. Không sớm thì muộn, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ điều chỉnh hệ thống lao động trong xã hội, qua đó làm thay đổi diện mạo ngành nghề đại học và cách lựa chọn ngành nghề của học sinh.

Cách Mạng Công Nghiệp 4.0

Với các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, con người sẽ dần chứng kiến những tiến bộ vượt bậc trong đời sống, như các nhà máy thông minh (nhà máy số) được vận hành bằng hệ thống vật lý không gian ảo, các máy móc có thể giao tiếp trực tuyến với nhau như cách con người hiện nay giao lưu trên mạng xã hội, xe tự lái bằng dữ liệu cảm biến, công nghệ in 3D có thể sản xuất sản phẩm thật nhanh chóng từ các vật liệu rời, các robot thông minh sỡ hữu trí tuệ nhân tạo có thể làm việc thay con người, quần áo kết nối Internet, mắt kính kết nối Internet, điện thoại di động thông minh có thể cấy ghép vào cơ thể người, các nguồn dữ liệu lớn (Big Data) giúp con người thực hiện nhanh chóng những công việc vất vả trước đây như quản trị, điều tra dân số, thu thuế, kiểm toán…

Khác với ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây vốn lấy sản phẩm khoa học mới thay thế cho sản phẩm cũ để tăng năng suất, ngày nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm biến đổi toàn diện phương thức sản xuất, trao đổi, tận hưởng cuộc sống của con người.

Chọn nghề gì trong thời 4.0?

Khi tự động hóa thay thế con người trong toàn bộ nền kinh tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được dự đoán sẽ khiến năng suất lao động tăng lên hàng trăm, hàng nghìn lần; nhưng đồng thời, sẽ có vô số lao động bị dư thừa, đặc biệt là lao động ít được đào tạo và kỹ năng thấp. Các nhà xã hội học cho rằng những công việc văn phòng thông thường sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, vì công việc chỉ cần dựa trên các quy trình chuẩn, có thể thay thế đơn giản bởi các thuật toán. Không chỉ lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động kỹ năng bậc trung cũng dễ bị đào thải trong cơn lốc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu họ không trang bị kiến thức mới.

Bối cảnh đó dẫn đến những xu hướng chọn ngành nghề và xu hướng học tập mới cho người học trên toàn thế giới.

Danh mục các ngành nghề phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 trải dài từ công nghệ thông tin, quản lý kinh tế, giao thông vận tải, xây dựng, y tế, công nghệ sinh học, cho đến các ngành sáng tạo, nghệ thuật… Trong đó nổi bật là một số xu hướng ngành nghề, như:

* Công nghệ thông tin

Với khả năng thu thập và phân tích dữ liệu, công nghệ thông tin sẽ là nhóm ngành nghề then chốt trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên số. Xu hướng học công nghệ thông tin dần chuyển dịch sang các ngành học chuyên sâu, để đào tạo lượng kỹ sư phát triển phần mềm, kỹ sư phát triển phần mềm robot, chuyên gia an ninh mạng, chuyên gia bảo mật thông tin, kỹ sư phát triển Internet di động, chuyên gia phân tích dữ liệu… Đặc biệt, phạm vi làm việc của người học ngành công nghệ thông tin sẽ mở rộng ra tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, từ truyền thông đến tài chính, thương mại, giải trí…

* Công nghệ tự động hóa

Các ngành học về tự động hóa như Cơ điện tử, Điện tử, Cơ khí, Điều khiển tự động… sẽ "hot" trong thời đại sản xuất robot. Việc phát triển các thiết bị tự hành trong tương lai cũng sẽ dẫn đến nhu cầu cao về nhân sự các ngành điều khiển, chế tạo ô tô; các ngành chế tạo vật liệu…

* Các ngành xây dựng, vật liệu, sản xuất hiện đại

Cách mạng công nghiệp 4.0 đem đến cho con người thành tựu mới trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng, khi mà chỉ cần công nghệ in 3D, người ta có thể "in" ra một căn nhà trong vài ngày. Tuy ở Việt. Nam, công nghệ in 3D chưa phát triển, nhưng trong tương lai, với xu hướng này, các ngành học xây dựng, vật liệu, năng lượng, cũng như những ngành học về sản xuất hiện đại sẽ góp phần giúp chúng ta đào tạo được đội ngũ kỹ sư chế tạo đáp ứng yêu cầu mới của thời đại.

* Các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học

Sự tích hợp kỹ thuật số - vật lý - sinh học trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ khiến nhóm ngành công nghệ sinh học, đặc biệt là công nghệ nano đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất thực phẩm, điều trị bệnh, định hình hệ thống y tế... Nhóm ngành công nghệ chế biến, ngành kỹ  thuật y sinh cũng sẽ cần lực lượng nhân sự mạnh.

* Nhóm ngành quản trị, dịch vụ

Robot chưa thể thay thế hoàn toàn con người trong việc quản trị, phân tích, định hình các dịch vụ thụ hưởng cuộc sống. Do đó, trong tương lai, nhân sự có trình độ quản trị trong các ngành tài chinh, đầu tư, logistics, du lịch, dinh dưỡng… đều sẽ có cơ hội lớn.

* Các ngành sáng tạo, nghệ thuật, xã hội - nhân văn

Đây là nhóm ngành mà robot và trí tuệ nhân tạo khó lòng thay thế. Năng lực sáng tạo, đánh giá hiện tượng xã hội, nghiên cứu khoa học sẽ là chìa khóa để người học các ngành này sáng giá trong tương lai. Với sự trợ lực của thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0, các ngành nghề sáng tạo như kiến trúc, thiết kế… còn có cơ hội phá vỡ ranh giới của chính mình để làm những điều không tưởng.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ đẩy một số ngành nghề lên vị trí mũi nhọn và làm biến mất một số ngành nghề khác, mà còn khiến phương thức lao động của con người thay đổi. Lực lượng người làm nghề tự do (freelancer) sẽ ngày càng phổ biến trong các lĩnh vực công nghệ, thiết kế, dịch thuật…

Nhiều chuyên gia dự đoán, trong tương lai không xa, tất cả những thay đổi này sẽ định hình lại bảng danh mục các ngành nghề đại học và cách thức đào tạo của các trường.

Theo báo Giáo Dục và Thời Đại