Ngôi nhà thiện nguyện lần đầu tiên được ra đời tại trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) dịp hè 2018, với mong muốn chia sẻ và giúp đỡ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và nhân rộng hoạt động từ thiện trong sinh viên. Từ chỗ chỉ có nhóm sinh viên tình nguyện sinh hoạt, nay đã là địa chỉ thân thương của đông đảo sinh viên, giảng viên của trường.
Những ngày đầu năm mới, khi từng đợt gió mùa Đông Bắc tăng cường, mang theo những trận rét đậm, rét hại tê tái, thì cũng là lúc ngôi nhà thiện nguyện của trường Đại học Khoa học trở nên đông đúc, đón những tình cảm nồng ấm, nhân hậu từ các bạn sinh viên và các thầy, cô giáo trong trường đến hoạt động từ thiện, nhân đạo. Đặt tại tầng 1 khu ký túc xá K13-Trường Đại học Khoa học và lịch mở cửa vào thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần, nhưng ngôi nhà thiện nguyện gần như lúc nào cũng có người ra vào. Có lẽ thông điệp truyền thông nội bộ của Đoàn thanh niên Trường được phát đi: “Bạn không dùng thì đem đến, bạn cần thì lấy đi” như lời thôi thúc, lay động đến từng trái tim nhân hậu của sinh viên và cán bộ, giảng viên, khiến cho nơi đây trở thành địa chỉ “đỏ” về hoạt động nhân đạo, từ thiện, cũng như là điểm gặp gỡ, chia sẻ những tâm tư, tình cảm của sinh viên.
Chủ tịch Hội Sinh viên đ/c Bùi Trọng Tài cho biết: “Ngôi nhà ấm cúng bởi nó đã trở thành điểm hẹn và luôn có người đến san sẻ những khó khăn cho cộng đồng. Đoàn thanh niên và Hội sinh viên trường đang tích cực chuẩn bị cho chiến dịch tình nguyện mùa đông. Đến nay đã tiếp nhận trên 200 chiếc áo, chăn bông, khăn ấm, 5 chiếc xe đạp và nhiều vật dụng sinh hoạt cá nhân, đồ dùng học tập, sách vở…Tất cả đều được vệ sinh sạch sẽ, phân loại gọn gàng và sẽ được chuyên đến tận tay những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống tại xã Ký Phú, huyện Đại Từ trong thàng 1/2019. Bên cạnh đó Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên của trường còn xây dựng “Ngôi nhà thiện nguyện” tại Trường THPT Tủa Chùa huyện Tủa Chùa tỉnh Điện Biên và sẽ san sẻ những những tấm chăn, áo ấm đến với vùng cao trong đợt tình nguyện này”.
Khi dược hỏi về giá trị hiện vật mà cán bộ, giảng viên và sinh viên mang đến, cũng như ngôi nhà thiện nguyện mang đi, đ/c Bùi Trọng Tài chỉ ngắn gọn trả lời: “Thực tế là không thể tính được giá trị, chỉ đếm được số lượng đồ vật. Vì làm từ thiện, nhân đạo bắt đầu từ cái tâm. Có nhiều đồ vật giá trị lớn như màn hình máy tính, ti vi, tủ lạnh, quạt mát, máy giặt, bàn học, xe đạp…được các bạn sinh viên mang đến gom vào đây, rồi Ban chủ nhiệm lại chuyển cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ngay trong trường, hoặc cho các em học sinh. Có nhiều đầu sách học tập cũ mà giá trị không thể tính được vì trên thị trường không có bán, nhưng các thầy, cô giáo sẵn sàng ủng hộ Ngôi nhà thiện nguyện”.
Nói về quá trình hình thành ngôi nhà thiện nguyện trong trường, đ/c Ngô Ngọc Linh - Bí thư Đoàn thanh niên cho biết: “Là một trong những trường đại học có đến gần 70% sinh viên thuộc diện có hộ khẩu tại các xã, huyện miền núi, vùng cao thuộc các tỉnh phía Bắc. Đa số sinh viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và cần sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước, hoặc sự hỗ trợ từ nhà tài trợ… Khi thành lập, Đoàn thanh niên trường xác định mục tiêu chính là hỗ trợ trực tiếp các tân sinh viên, để các bạn có được sự an tâm, hòa nhập xóa đi cảm giác tự ti và thấy được nơi đây là một môi trường đào tạo, nghiên cứu khoa học thân thiện, hướng đến mục tiêu phát huy tối đa năng lực từng cá nhân trong các hoạt động. Chính vì vậy, nhiều bạn đến đây đã có được sách học, giấy viết, thậm chí là giường, tủ đựng tư trang, xe đạp, chăn ga, gối, đệm, quạt mát và có thể mua lại các thiết bị như máy tính, xe điện…rẻ tiền của các anh, chị sinh viên khóa trước, góp phần giảm chi phí ban đầu mà hiệu quả. Thông qua các buổi giao lưu tại ngôi nhà thiện nguyện, sinh viên còn được trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm hoạc tập, tổ chức cuộc sống tốt hơn”.
Được biết, hiện nay ngôi nhà thiện nguyện đang có hai câu lạc bộ (Tình nguyện khoa học xanh và Hạnh phúc trao tay) thường xuyên cử các thành viên đến trực và cùng thực hiện các hoạt động từ thiện, nhân đạo, cũng như chia sẻ những trăn trở, hòan cảnh khó khăn trong cuộc sống sinh viên xa nhà. Sinh viên Phan Văn Lương (Khoa Luật, đến từ tỉnh Hà Giang), thành viên câu lạc bộ Hạnh phúc trao tay cho biết: “Ngôi nhà thiện nguyện ra đời như một mái ấm và là điểm hẹn của sinh viên. Gần một năm qua đã có hàng nghìn lượt sinh viên đến đây, nhiều bạn ban đầu là tìm kiếm những thứ mình cần, nhưng đến rồi họ đồng cảm hơn về những hoạt động từ thiện của ngôi nhà này. Có bạn sẵn sàng sắn tay tân trang lại máy tính, sửa từng chi tiết cho những chiếc xe đạp cũ hoạt động tốt hơn, thậm chí không ít bạn sẵn sàng giặt, là lại chăn, màn, áo ấm để khi trao đi nó sẽ trở nên trang trọng và sử dụng tốt. Cũng tại đây, nhiều bạn thể hiện được những năng lực đặc biệt của mình, như: Sửa chữa, đấu nối lại hệ thống điện cho an toàn, cài đặt, khôi phục lại máy tính, sửa chữa màn hình tivi, máy chiếu… chính những hoạt động cụ thể này mà các bạn từ khắp mọi miền về học tại Trường trở nên gần gũi thân thương, cảm thông và luôn sẵn sàng san sẻ những khó khăn trong cuộc sống, lòng nhân ái được lan tỏa, ý thức, trách nhiệm xã hội nâng lên”.
Dường như không thể có được một phép toán thống kê đầy đủ những hoạt động tình nguyện từ ngôi nhà thiện nguyện, nhưng những kiện chăn, áo ấm và cả đồ dùng cá nhân được xếp ngăn nắp trên các ngăn kệ mỗi tháng lại đầy và rồi lại vơi. Đó chính là nguồn mạch từ trái tim nhân ái không bao giờ cạn mà Đoàn thanh niên và Hội sinh viên nhà trường đang tích cực bồi đắp cho các thế hệ sinh viên.
Nguồn: Báo Thái Nguyên