TIN TỨC


Trao đổi sinh viên quốc tế theo chương trình IAESTE tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên


Trao đổi sinh viên quốc tế theo chương trình IAESTE tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên

Trong chiến lược phát triển hội nhập và hợp tác quốc tế, trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên luôn chú trọng thúc đẩy, tạo nhiều cơ hội cho sinh viên tham gia các chương trình trao đổi quốc tế cùng với đó là tiếp nhận, đón nhiều lưu học sinh/thực tập sinh từ các trường đại học trên thế giới đến giao lưu, học hỏi. Qua đó, sinh viên được trải nghiệm, mở mang tầm nhìn, hiểu biết, năng động hội nhập trong xu thế toàn cầu hoá; tạo môi trường học tập, giao lưu văn hóa và tăng cường khả năng tiếng Anh cho sinh viên đang học tập tại trường.

Khoa Công nghệ Sinh học rất vui khi được đón bạn Lina Walther học đại học ngành hóa sinh học tại Đại học Kiel ở Đức, học viên thạc sĩ tại Đại học McGill ở Canada đến trao đổi học tập và nghiên cứu tại Việt Nam theo chương trình thực tập của IAESTE (từ 1/9/2023 đến 30/11/2023) dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Nguyễn Phú Hùng (nguyên Trưởng khoa - Khoa Công nghệ Sinh học). Chương trình trao đổi lần này của IAESTE đã giúp Lina hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam. Tuy thời gian trao đổi chỉ diễn ra trong thời gian 3 tháng nhưng đã mang lại cho Lina và các bạn sinh viên đang nghiên cứu tạo phòng thí nghiệm Khoa Công nghệ Sinh học - Trường Đại học Khoa học nhiều trải nghiệm tuyệt vời.

Cùng nhau làm nghiên cứu, từ các phương pháp đơn giản như thu thập mẫu thực vật từ thực địa đến xử lý cây thuốc và nuôi cấy tế bào trong hộp nuôi cấy. Các phương pháp như phương pháp phân tích sự tăng sinh tế bào qua khảo sát MTT, khả năng di trú của tế bào, ảnh hưởng lão hóa tế bào dưới tác động của dịch chiết và sự kết hợp thuốc chống ung thư và cây thảo dược. Trong quá trình làm việc, các bạn sinh viên nghiên cứu đã trao đổi nhiều kỹ thuật và kỹ năng nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, điều này giúp các bạn nâng cao kỹ năng và chuyên môn. Trong một thời gian ngắn, Lina đã đạt được nhiều kết quả tốt chứng minh tác dụng mạnh mẽ của một số cây thảo dược như: Nắm cơm (Kadsura coccinea (Lem.) A.C.Smith); Muồng truổng (Zanthoxylum avicennae (Lamk.) DC.); Bạch chỉ nam (Millettia pulchra (Colebr. ex Benth.) Kurz); Trâm lá chụm ba (Syzygium formosum (Wall.) Masam.) trên dòng tế bào ung thư gan HepG2.

 

Hình 1. Thu mẫu vườn cây thuốc của Lương y Từ Văn Ba, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ và nghiên cứu tế bào trong phòng thí nghiệm Khoa Công nghệ Sinh học – Trường Đại học Khoa học

Lina rất cởi mở và nhiệt tình, luôn chia sẻ kiến thức của mình với các sinh viên tham gia hoạt động nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Điều này đã giúp các sinh viên tiếp thu và học hỏi được nhiều điều thú vị và bổ ích trong quá trình tham gia. Không chỉ giúp giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình làm thí nghiệm, Lina còn tạo ra một môi trường làm việc vui vẻ và thoải mái cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, trong công việc, Lina đã giúp cho sinh viên làm việc cùng như chúng tôi rèn luyện thêm tính kỷ luật, chính xác và tuân thủ các quy định và nội quy của phòng thí nghiệm.

Việc rào cản ngôn ngữ thời gian đầu khiến những thảo thuận giữa nhóm sinh viên chúng tôi với Lina có chút khó khăn do chưa hiểu được hết ý. Tuy nhiên, thông qua một thời gian 3 tháng cùng nhau làm việc và trao đổi, các bạn sinh viên đã trở nên tự tin hơn trong việc nói chuyện và trao đổi với Lina. Điều này đã mở ra cơ hội cho những cuộc thảo luận sâu sắc và tạo nên sự hiểu biết rõ ràng hơn về các vấn đề đã được đề cập. Lina cũng đã đóng góp vào việc hỗ trợ và giúp các bạn sinh viên trong nhóm nghiên cứu phát triển kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh, từ đó giúp chúng tôi tự tin hơn trong việc tham gia vào các hoạt động và nghiên cứu quốc tế. Chia sẻ sau khi kết thúc quá trình thực tập, Lina cho biết mình đã rất may mắn vì đã được làm việc trong một môi trường nghiên cứu tốt, hướng nghiên cứu hiện đại và được thầy hướng dẫn cũng như cô Phương Mai - bộ phận hợp tác quốc tế của Nhà trường tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình học tập, sinh hoạt và trải nghiệm tại Việt Nam.

Hình 2. Thảo luận và trao đổi của nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học và Giáo dục liên ngành

Chương trình trao đổi này thực sự tuyệt vời vì nó không chỉ giúp các bạn sinh viên nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật, mà còn mang đến cho các bạn cơ hội phát triển kỹ năng và trao đổi kiến thức về nghiên cứu. Đặc biệt, nó cung cấp cho sinh viên cơ hội thực tập tại các trường đại học trên toàn cầu. Đây là một cầu nối quan trọng, nối liền sinh viên với các nhà tuyển dụng và các tổ chức nhận sinh viên thực tập. Đồng thời, chương trình cung cấp cho các nhà tuyển dụng những sinh viên có trình độ chuyên nghiệp và được đào tạo tốt. Ngoài ra, nó cũng là một cầu nối văn hóa quan trọng, gắn kết sinh viên thực tập với các tổ chức nhận sinh viên và tạo liên kết giữa các tổ chức nhận sinh viên thực tập và các quốc gia thành viên của Hiệp hội.

 

Hình 3. Báo cáo kết quả tổng kết quá trình thực tập tại Trường Đại học Khoa học

 

 

Hình 4. Nhóm sinh viên nghiên cứu của Khoa Công nghệ Sinh học

 

 

Hình 5. Nhận chứng chỉ hoàn thành kỳ thực tập

Tác giả: Sv. Lê Thị Ngọc Thúy K19 - Khoa Công nghệ Sinh học